Hotline: Mr Linh 098.148.6162
Thị trấn mới Phiêng Lanh thưa dân đến mức không khó để bạn bắt gặp hình ảnh một chú cún nhà ai nằm thảnh thơi trên giải phân cách giữa đường, giương cặp mắt trong veo lên mà sủa vu vơ mỗi khi có người qua lại. Cả thị trấn có duy nhất một cột đèn xanh đỏ, báo tín hiệu giao thông.
Thị trấn Bắc Yên dường như không có cột đèn xanh đỏ nào. Nó nhỏ như lòng bàn tay, chỉ gồm mấy trăm nóc nhà nằm chênh vênh trên đỉnh đèo Phiêng Ban, che chở bên trên là dãy Tà Xùa rộng lớn.
Tôi ấn tượng với hai thị trấn này không chỉ vì nó nhỏ nhắn, xinh xẻo mà vì người dân nơi đây.
Ngồi ở cổng chợ trung tâm huyện Bắc Yên nhìn ra đường đến cả tiếng đồng hồ mà tôi hiếm thấy người đi xe gắn máy nào không đội mũ bảo hiểm. Còn ngạc nhiên và thích thú hơn là khi chúng tôi ngồi ăn tối tại một quán cơm bụi nhỏ. Thấy thiếu một món gia vị, anh chủ quán nhanh nhảu nhảy lên xe, không quên với theo chiếc mũ bảo hiểm. Lúc đó tầm 8 giờ tối và quãng đường từ quán ăn đến cửa hàng tạp hóa chỉ khoảng chừng vài ba trăm mét.
Cột đèn xanh đỏ báo tín hiệu giao thông ở Phiêng Lanh được bật lên lúc 6h sáng và chuyển sang màu vàng nhấp nháy báo chú ý lúc 8h tối. Sẽ rất khó để bắt gặp một anh chàng quần chùng người H’Mông, hay một chị tằng cẩu người Thái vượt đèn đỏ. Tất cả đều dừng lại, đợi tín hiệu giao thông cho dù phía đường giao bên kia chỉ trống trơn một mầu vàng như mật ong của nắng.
Trong khi đó, tình hình giao thông ở Hà Nội hay Sài Gòn ngày càng tệ đi. Một mớ hỗn độn các phương tiện đủ chủng loại, mầu sắc, không kể đến tín hiệu giao thông, tất cả đều cố ngoi lên để tìm một chỗ trống. Đó thực sự là một đám đông cuồng loạn và không tuân theo bất cứ một quy tắc giao thông nào…
Dân trí tại Hà Nội hay Sài Gòn tất nhiên là cao hơn so với dân trí ở hai huyện miền núi nghèo tỉnh Sơn La. Nhưng tại sao người ở thị trấn miền núi nghèo lại tự giác chấp hành luật an toàn giao thông, còn một bộ phận cư dân thành thị ở hai thành phố lớn lại không làm được?
Trao đổi với anh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ trung tâm huyện Quỳnh Nhai, anh cho biết ban đầu lực lượng cảnh sát giao thông cũng rất khó khăn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm cũng như tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, dần dà mọi việc mới đâu vào đấy. Việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông chủ yếu đến từ ý thức người dân nơi đây. Họ thấy tự hào và thích thú khi được sống trong không gian tươi mới mang hơi hướng của văn minh đô thị.
Tôi đặc biệt ấn tượng với lời tâm sự chân thành của anh cảnh sát giao thông trẻ tuổi này. Chúng ta bàn nhiều đến những bất cập trong quy hoạch, những thiếu sót trong điều hành; thói vô ý thức, bất chấp pháp luật của người dân… mà nhiều khi quên đi rằng chính cảm xúc tự hào, cảm hứng về sự văn minh mới là chất men kích thích người ta hành động.
Trước là những bản làng lặng lẽ ngủ quên bên con đường ngoằn ngoèo, quanh co, trơn tuột mỗi khi trời mưa và hầu như bị cô lập mỗi khi lũ đến, nay bỗng xuất hiện một đô thị mới với nhà cửa khang trang, đường phố thẳng thớm dễ khiến người ta nảy sinh những cảm xúc tích cực. Mà xúc cảm tích cực sẽ dẫn lối cho những hành động đúng…
Quay trở lại vấn đề tại các đô thị lớn ngày nay. Phải chăng cái mà chúng ta đang thiếu ở đây là cảm hứng sống và thói quen ứng xử của những công dân thành thị văn minh? Mở một con đường lớn, xây thêm một trung tâm thương mại là việc không khó; khơi gợi cảm hứng, kích thích cảm xúc mới là công việc đầy thách thức.
Nhưng một xã hội sẽ đạt đến văn minh nhanh hơn nếu từng công dân trong đó được truyền cảm hứng sống như những người văn minh.