Hotline: Mr Linh 098.148.6162
Nhà vệ sinh bệnh viện (ST)

Nhà vệ sinh bệnh viện (ST)

Đào Mạnh Linh - 24/08/2016 - 0 bình luận

Chỉ trong vòng ba tháng, tại ba hội nghị khác nhau, Bộ trưởng Y tế ba lần nhắc tới “nhà vệ sinh bệnh viện” như một hình ảnh tiêu biểu cho chất lượng dịch vụ của hệ thống bệnh viện nước ta.

Hẳn nhiều người từng tới bệnh viện sẽ đồng ý với bà. Tôi nằm viện lần lâu nhất là năm 2010, sau cuộc phẫu thuật ở một bệnh viện cấp Trung ương. Bây giờ nghĩ lại vẫn rùng mình. Không một nhà vệ sinh nào trong viện sử dụng được, thậm chí để bước ngang qua đã là một sự can đảm. Nhà vệ sinh khoa tôi nằm, nước ngập đến mắt cá chân và chất thải trôi lềnh phềnh trong vũng nước ấy.

Tôi, mới phẫu thuật xong, phải trèo mấy tầng gác để tìm đến cái nhà vệ sinh còn dùng được. Nhưng cũng bẩn chịu không thấu. Cuối cùng mỗi ngày một lần, tôi phải tự rút dây truyền ra, gọi người bạn ở gần đấy đến cổng viện đưa mình về nhà. Lúc ấy tôi đi chưa vững nhưng không còn cách nào hơn. Tình trạng tồi tệ đến mức giữa hành lang, tôi nghe thấy một bác sĩ cũng phải hét lên rằng không thể chấp nhận nổi một bệnh viện cấp trung ương mà có cái nhà vệ sinh như thế này.

Đó là một thực trạng đã kéo dài. Từ hơn mười năm trước, tôi đã đọc một bài viết chua chát về chủ đề này của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh. Bài viết ấy, sau khi kể chuyện “muôn năm cũ” về nỗi sợ cái nhà vệ sinh bệnh viện, nhà thơ kết bằng câu: “Ngày ra trường của các bác sĩ, chắc có lẽ người ta chỉ đọc lời thề Y đức, mà không đọc lời thề Vệ sinh”.

Vấn đề đến hôm nay vẫn như mới. Bộ trưởng bộ Y tế giờ phải sử dụng hình ảnh “nhà vệ sinh” như một ví dụ cho trách nhiệm quản lý của những người đứng đầu bệnh viện. Cái nhà vệ sinh vẫn là một “điểm nóng”. Tháng trước trên mạng lan truyền bức ảnh chụp nhà vệ sinh một viện nọ, dán giấy ghi rõ, phải đặt cọc 220.000 đồng mới được giao chìa khoá. Có người phản đối vì bệnh viện là không gian công cộng. Nhưng cũng có người tặc lưỡi, nếu bác sĩ không làm thế thì nó còn bẩn đến mức độ nào.

Chất lượng dịch vụ y tế thấp nói chung và những cái nhà vệ sinh tồi tàn nói riêng có thể là những nguyên nhân khiến hàng tỷ USD ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Mỗi năm, người dân Việt Nam chi đến hai tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh (thống kê năm 2014), năm sau cao hơn năm trước. Số tiền đó tất nhiên đã có thể trở thành tiền tái đầu tư cho hạ tầng y tế vốn đã quá tải ở nước ta. Mà như phân tích của chính Bộ trưởng Tiến thì nguyên nhân không nằm ở trình độ chuyên môn của y bác sĩ. Chúng ta có những nhà chuyên môn đẳng cấp thế giới. Nguyên nhân, nằm ở chất lượng dịch vụ.

Những lãnh đạo bệnh viện không chỉ phải chịu trách nhiệm cho cái nhà vệ sinh bẩn, cho sự thống khổ của những bệnh nhân điều trị tại đó, mà còn chịu trách nhiệm cho hai tỷ USD chi phí khám chữa bệnh chảy ra nước ngoài mỗi năm. Hãy tưởng tượng, hàng chục nghìn nông dân trồng hạt điều trong khắp cả nước một nắng hai sương, mỗi năm còn không thu về nổi hai tỷ USD ngoại tệ từ xuất khẩu. Đằng này, vì nhà vệ sinh, vì một cô y tá tiêm đau hơn thường lệ do thiếu 20.000 đồng lót tay, vì một ông bảo vệ hách dịch hoạnh họe những chiếc xe đón người thân… mà phải mất đi rất nhiều ngoại tệ.

Tất nhiên ngành y tế nước ta sẽ còn cần cải thiện nhiều về điều kiện khám chữa bệnh và có những vấn đề, ví dụ như tình trạng quá tải, ghép giường, sẽ cần các phép toán vĩ mô. Nhưng tại sao chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh, vốn không cần đến tiền tỷ ngân sách, đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết?

Bộ trưởng đã không hề tế nhị mà gọi thẳng tên của vấn đề của nhà vệ sinh: “Nguyên nhân các tồn tại này đã rõ rồi, cần đấu thầu công khai để cung cấp dịch vụ cho người bệnh”. Bốn chữ “đấu thầu công khai” của bà Tiến đã gợi ý về bản chất của nhiều khuôn viên bệnh viện, nhiều nhà vệ sinh đã bẩn suốt hàng chục năm qua. Nó cũng khiến người ta nhớ đến những scandal gần đây với việc bảo vệ bệnh viện (một dịch vụ thuê ngoài) gây khó khăn cho bệnh nhân khiến cộng đồng bức xúc. Và tất nhiên, không thể quên những sai phạm liên quan đến xử lý rác thải y tế độc hại của các bệnh viện lớn - vốn cũng là một hạng mục được “đấu thầu”.

Nếu không có minh bạch, thì cho dù là chuyện nhỏ như cái nhà vệ sinh, cũng có thể trở thành nơi khu trú của những tiêu cực.

Giới thiệu

Công ty Cổ phần Bảo hộ lao động Việt Tâm

Chữ Tâm – giúp chúng tôi làm việc cẩn thận để đem đến cho khách hàng lợi ích tối đa so với mức đầu tư của khách hàng, đó là kim chỉ nam dẫn đường cho công ty chúng tôi trong suốt quãng đường phục vụ quý doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng bằng sự làm việc tận tâm, coi khách hàng là gia đình, chúng tôi cùng với khách hàng sẽ xây dựng một mối hợp tác bền chặt lâu dài.

Danh mục

Tags

Tin tức mới

zalo
zalo