Hotline: Mr Linh 098.148.6162
'Hổ dữ không chung một chuồng'

'Hổ dữ không chung một chuồng'

Đào Mạnh Linh - 08/10/2016 - 0 bình luận

Đầu những năm 2000, sau khi Ba Lan gia nhập Cộng đồng Châu Âu, kinh tế chợ thoái trào, người Việt Nam chuyển dần vào kinh doanh trong các trung tâm thương mại bán buôn.

Tại vùng Wolka Kosowska ngoại ô Warszawa, thủ đô Ba Lan, trên khu đất rộng hàng trăm hecta, các chủ đầu tư người Hoa, người Việt xây dựng những trung tâm thương mại khang trang hiện đại cho hàng nghìn người thuê chỗ bán hàng. Lẽ ra phải vừa cạnh tranh lành mạnh, vừa hợp tác cùng có lợi thì các trung tâm thương mại Việt Nam lại tìm cách cô lập, phong tỏa nhau. Hàng rào cao được dựng lên, đường nối nhau bị chặn lại. Thiệt hại nhất vẫn là những người thuê quầy. Việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa và đi lại từ khu này sang khu kia rất khó khăn.

Có hai trung tâm thương mại Việt Nam chung hàng rào, hai ông chủ từng là bạn học, cùng tham gia lãnh đạo hội doanh nghiệp một tổ chức có tiêu chí hợp tác cùng phát triển. Vậy mà bên này luôn lo ngại bên kia giành khách, tranh cơ hội của mình.

Cái hàng rào ngăn cách hai trung tâm thương mại cứ tồn tại suốt bảy năm. Sau rất nhiều đàm phán đầy nghi kị, khi vun vào, lúc ngãng ra, hai trung tâm thương mại của người Việt mới đồng thuận mở được một cổng thông rào cho người và hàng qua lại.

Sự kiện bắt tay hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách đến mua hàng và chủ quầy buôn bán ở cả hai trung tâm. Nhờ đó họ giảm được nhiều thời gian, công sức vì không phải đi xa, và quan trọng nhất là tăng tính cạnh tranh với trung tâm thương mại của người Trung Quốc ở đối diện. Việc “thông thương” góp phần kích thích kinh doanh ở cả hai trung tâm thương mại Việt Nam cùng phát triển. Nửa năm sau, hai ông chủ đồng thuận mở thêm cổng và kéo dài thời gian hoạt động của các “cửa khẩu” mỗi ngày thêm hai tiếng.

Sau mấy chục năm lập nghiệp trên đất Ba Lan, tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện như thế về cái gọi là “tinh thần đoàn kết” của người Việt ở nơi đất khách quê người - nơi mà tưởng rằng phải sống dựa vào nhau để tồn tại.

Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nhân Việt khởi nghiệp trên thị trường không chỉ gặp khó khăn về vốn, về đầu vào - đầu ra mà còn phải đối phó với thông tin nhiễu loạn do chính đồng nghiệp tạo ra để hạ đối thủ. Khởi nghiệp đã khó, càng phát triển lên càng khó hơn khi doanh nghiệp phải bơi trong biển thông tin thật giả lẫn lộn. Chúng ta còn thiếu những tổ chức thực sự tin cậy cung cấp các thông tin chính xác về chính sách, tổng hợp đánh giá thị trường, dự báo phát triển cho các doanh nghiệp.

Rồi tôi lại chứng kiến khi quy mô đạt đến mức độ đủ lớn, triết lý “hổ dữ không chung một rừng” được nhiều doanh nhân Việt áp dụng nhằm loại trừ, thanh toán nhau, độc chiếm doanh nghiệp, độc chiếm thị trường. Đặc tính tham lam, ích kỷ, đố kỵ khiến cho rất nhiều người không nhận ra xu hướng các bên cùng phát triển, cùng có lợi khi chung tay làm chủ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường.

Cách đây hơn một thập kỷ, khẩu hiệu “Người Việt dùng hàng Việt” được nêu cao. Nhưng trông chờ vào người tiêu dùng theo tôi là một điều duy ý chí: người tiêu dùng có quyền được lựa chọn những sản phẩm tốt nhất, giá cả hợp lý nhất để sử dụng cho dù nó có xuất xứ từ đâu.

Tôi nghĩ điều cần để tạo ra một thương hiệu quốc gia mạnh, một nền sản xuất mạnh, có khả năng vươn ra toàn cầu, vẫn phải là việc các doanh nghiệp liên kết, chia sẻ, cộng tác với nhau; cũng như đề cao tinh thần “fair play” như trong thể thao. Ý tưởng về những chuỗi siêu thị Việt Nam có chính sách hỗ trợ riêng dành cho hàng "made in Vietnam" như mới được nêu ra gần đây, có thể xem là một khởi đầu cho luồng suy nghĩ này. Trước sự tấn công của các nhà bán lẻ hùng mạnh nước ngoài, chúng ta không “bảo hộ thị trường” nhưng hoàn toàn có quyền tạo ra các mối gắn kết mới, cộng tác mới để cạnh tranh lành mạnh.

Chẳng có luật nào yêu cầu hai trung tâm thương mại phải thông nhau. Nhưng bởi vì nó là hai trung tâm của người Việt, nên việc chúng nối với nhau, trong tâm thức tôi và có lẽ hầu hết mọi người, là điều hiển nhiên. Và giá mà lối đi giữa hai trung tâm ấy không mất đến bảy năm để mở, thì tôi sẽ tự hào bao nhiêu khi kể cho bạn bè quốc tế về tinh thần đoàn kết trong kinh doanh của người Việt.

Giới thiệu

Công ty Cổ phần Bảo hộ lao động Việt Tâm

Chữ Tâm – giúp chúng tôi làm việc cẩn thận để đem đến cho khách hàng lợi ích tối đa so với mức đầu tư của khách hàng, đó là kim chỉ nam dẫn đường cho công ty chúng tôi trong suốt quãng đường phục vụ quý doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng bằng sự làm việc tận tâm, coi khách hàng là gia đình, chúng tôi cùng với khách hàng sẽ xây dựng một mối hợp tác bền chặt lâu dài.

Danh mục

Tags

Tin tức mới

zalo
zalo